Barista và Bartender là như nhau và Barista phải có năng khiếu bẩm sinh...Đó là một trong những suy nghĩ sai lầm của người Việt khi nghĩ đến một nghề khá mới mẻ tại Việt Nam - Barista!
1. Barista và Bartender là như nhau
Barista là người pha chế các món thức uống dựa trên sự biến tấu của café Espresso. Đam mê của họ nằm trong việc lĩnh hội và phát triển sự đa dạng của café khi kết hợp với các loại nguyên liệu khác nhau. Có thể nói Barista chính là “quyển từ điển sống” về café, họ tương tác với café không đơn thuần chỉ là công việc mà còn như một người bạn, một người thân. Bạn có thể hỏi họ mọi thứ về lịch sử của từng loại hạt café, sự chọn lọc khi thu hoạch, các phương pháp chế biến café hạt xanh, nhiệt độ rang, “tông rang”,... hay thậm chí phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cái thứ nước màu nâu “thần thánh” ấy.
Bartender cũng là người pha chế, nhưng đam mê của họ nằm trong việc pha chế các món thức uống có cồn. Họ thuộc nằm lòng tên gọi, cách phân biệt các loại rượu, các kiểu ly thích hợp cho từng thức uống khác nhau. Một Bartender nói chung có thể kết hợp được các loại cocktail cổ điển như Cosmopolitan, Manhattan, Old Fashioned, Mojito… Ngoài khả năng pha chế, Bartender còn biết biểu diễn. Chắc hẳn không ai có thể làm ngơ trước những màn trình diễn đẹp mắt như tung hứng các chai rượu, thác đổ, đốt rượu,…tạo sự hứng khởi cho khách hàng cùng bầu không khí vui nhộn.
2. Barista là phải đứng ở quầy bar
Đa phần các Barista làm việc tại những quán hoặc chuỗi café lớn như Startbucks, The Coffee House, Highland Coffee,… Họ cũng có thể làm việc tại những nhà hàng, khách sạn lớn với những bar chuyên dành cho café. Một số khác làm việc cho những quán café nhỏ hoặc tự kinh doanh riêng.
Tuy nhiên, Barista là những nghệ sĩ đích thực và trên thực tế, họ là những con người thích phiêu lưu, tìm kiếm những ý tưởng mới lạ. Họ muốn tự mình khám phá những vùng đất mới, những con người mới, thôi thúc óc sáng tạo không ngừng nghỉ của họ.
Barista ở phương tây là những con người của sự tự do, không ai có thể trói buộc họ. Có những Barista rất hiếm khi xuất hiện ở các quán café, họ có thể đạp những chiếc xe với đầy đủ đồ nghề đi khắp các nẻo đường trong thành phố để phục vụ những món thức uống mới lạ. Cũng có người dành trọn đam mê của mình cho việc nghiên cứu thực địa ở các vườn café hoặc trong phòng thí nghiệm.
Vì vậy, tình yêu dành cho café của các Barista không chỉ thể hiện ở việc họ đứng ở đâu, đang làm gì, mà còn qua những hành động cụ thể của họ.
3. Barista chỉ là một chức vụ
Barista là một công việc có định hướng sự nghiệp rõ ràng. Để trở thành một Barista, họ phải được trải qua đào tạo chuyên môn: lịch sử café, phương pháp pha chế, kỹ thuật rang xay, kỹ thuật đánh sữa,… Sau các khóa học, họ được cấp bằng theo tiêu chuẩn của các tổ chức, hiệp hội về café.
Tùy từng nơi sẽ có những tên gọi khác nhau nhưng trên cơ bản, các Barista được phân cấp dựa trên khả năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc như sau:
• Barista tập sự: có những kiến thức cơ bản, có thể pha nhanh các món sản phẩm, thường xuyên dùng các máy pha café để phục vụ đại chúng.
• Barista Captain (trưởng quầy): làm chủ và chịu trách nhiệm về yếu tố kĩ thuật của các món thức uống, yếu tố quản lý và quản trị nhân sự.
• Barista Pro: có thể làm trainer huấn luyện các team Barista, bao gồm cả trưởng quầy. Có kiến thức sâu và bao quát, kinh nghiệm đến từ thực tiễn.
• Master Barista: những người có quyền chấm thi trong các cuộc thi Barista thế giới. Họ đã tích lũy cả chặng đường dài, từ kinh nghiệm, kiến thức và cả về độ tuổi. Sự hiểu biết và tầm nhìn của họ không chỉ nằm gói gọn trong một quán hay chuỗi café ở địa phương nào cả, đó là kiến thức của sự chu du, mang tầm vóc thế giới.
4. Barista phải có năng khiếu bẩm sinh
Có một số người khi sinh ra đã có những khả năng đặc biệt hơn so với người khác như khứu giác nhạy cảm, vị giác nhạy bén,… Có thể nói đó là một năng khiếu bẩm sinh giúp họ phát triển nhanh trong nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, 1% là tài năng, 99% đến tự sự nỗ lực. Các Barista nổi tiếng thế giới như Sasa Sestic (quán quân giải giải Barista Thế giới 2015), Hidenori Izaki (quán quân giải giải Barista Thế giới 2014),… cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để nâng cao kiến thức chuyên môn và luyện tập tay nghề và tạo dựng phong cách cho bản thân.
Năng khiếu bẩm sinh là một yếu tố giúp bạn có bước khởi đầu nhanh hơn người khác, nhưng nếu không có sự luyện tập kiên trì và bền bỉ, yếu tố ấy cũng sẽ dần mai một trở nên vô dụng.
(Sưu tầm)